Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Tokyo Story: Rơi lệ bởi tình người giản dị


Và 48/358 đạo diễn đã cùng lựa chọn Tokyo Story của nhà làm phim huyền thoại người Nhật Bản Yasujiro Ozu để đưa nó trở thành bộ phim sáng giá nhất của nhân loại.
Sự giản dị đầy tình người của Tokyo Story
Vào một buổi chiều năm 1987, đạo diễn Wim Wenders tình cờ ghé vào mái hiên của một rạp chiếu bóng nhỏ ở ngoại ô New York để trú mưa. Trong lúc chờ mưa tạnh, ông mua vé vào xem một bộ phim Nhật lúc bầy giờ không mấy tiếng tăm có tên là Tokyo Story ((Tokyo Monogatari). Xem xong phim, ông trở ra đứng dưới mái hiên và... khóc. Ông khóc vì nhận ra rằng những gì ông vừa nhìn thấy trên màn ảnh hôm đó mới thật sự là điện ảnh.
Bộ phim Tokyo Story bắt đầu bằng những cảm xúc hứng khởi của cặp vợ chồng già khi chuẩn bị lần đầu tiên trong đời lên thành phố Tokyo để thăm các con đã trưởng thành. Tuy nhiên cặp vợ chồng già nhanh chóng nhận ra rằng cuộc viếng thăm của họ chỉ khiến con cháu khó chịu. Sự xuất hiện của 2 người già bắt đầu đưa đến những xáo trộn trong cuộc sống bình thường của những đứa con, từ đó nảy sinh những mâu thuẫn, nhẹ nhàng len lỏi vào từng ngóc ngách của mối quan hệ gia đình.
Tokyo Story: Rơi lệ bởi tình người giản dị, Phim, Tokyo Story, Yasujiro Ozu, nhat ban, phim hay it nguoi biet, phim
Cặp vợ chồng già hụt hẫng khi thấy những giá trị gia đình bị tan rã

Qua mỗi bước tiến của câu chuyện, ta thấy niềm vui lúc ban đầu lặng lẽ tan đi và nỗi thất vọng, nỗi buồn cứ lớn dần lên để cuối cùng thành sự xót xa. Lấy lý do bận bịu chăm sóc khách hàng và bệnh nhân, con trai cả và con gái ông bà quyết định đẩy bố mẹ tới khu suối nước nóng Atami, nơi ông bà nhanh chóng phải quay về Tokyo vì không chịu nổi sự ồn ào của nhà nghỉ. Người duy nhất đối xử chân thành và tình cảm với hai vợ chồng ở Tokyo hóa ra lại là cô con dâu – người vợ góa của con trai thứ ông bà. Anh con trai thứ này đã qua đời trong Thế chiến thứ hai.
Nội dung của Tokyo Story đơn giản là như thế, nhưng ẩn sau câu chuyện bình thường ấy là cả một lượng cảm xúc khổng lồ bị kìm nén, không được bộc lộ ra bên ngoài.
Ẩn nấp đâu đó dưới cái cười xòa của người ông, cái điệu phe phẩy quạt của người bà là những nỗi buồn, nhưng hơn tất cả là sự kìm nén, chấp nhận bởi vì cuộc sống đôi khi diễn ra như thế.
Tokyo Story có chủ đề giống như nhiều phim của Ozu trong giai đoạn sau sự nghiệp: Gia đình, đặc biệt là sự tan rã của những gia đình truyền thống Nhật Bản.
Có rất nhiều cảnh đặc biệt trong phim để chỉ ra sự tinh tế ngay từ những tình huống nhỏ nhất trong khâu chỉ đạo của Ozu. Như ở cảnh đám tang người mẹ, người con gái Shige cầu kỳ đến mức mang theo bộ kimono tang lễ trên đường về nhà, nhưng cô con dâu Noriko thì không bao giờ lường trước rằng mẹ sẽ chết, nên cô không có sự chuẩn bị gì cả. Phẩm chất giữa những người con trong nhà được khắc hoạ sâu sắc thông qua những so sánh súc tích.
Tokyo Story: Rơi lệ bởi tình người giản dị, Phim, Tokyo Story, Yasujiro Ozu, nhat ban, phim hay it nguoi biet, phim
Cô con dâu thứ 2 khiến bộ phim thêm ý nghĩa và xúc động
Những xung đột tuy nhỏ nhưng lại rất mạnh về cảm xúc ấy khiến những cảnh cuối phim trở nên đau lòng, khi mà vẫn khung cửa sổ ấy, vẫn người hàng xóm ấy, vẫn chiếc bàn, chiếc chiếu ấy… nơi mới hôm nào 2 người cùng nhau chuẩn bị hành trang lên đường, giờ đây chỉ còn mình người chồng cô độc lặng lẽ đếm từng ngày dài trôi qua...
Một bộ phim xúc động mãi mãi
Tokyo Story có một câu chuyện không thể đơn giản hơn, nhưng thực ra ẩn sâu bên dưới là một kết cấu truyện vững chắc và khôn ngoan. Cách kể chuyện của Tokyo Story khá vòng vo theo chuẩn mực cổ điển, buộc khán giả xem phải đối đầu với tình huống mà nhân vật gặp phải.
Các sự kiện then chốt của câu chuyện bị làm cho mờ nhạt đi do cách kể tỉnh lược, hay do các chi tiết phụ khác lấn át đi, đúng theo phong cách của Ozu, khiến khán giả cảm nhận thấy sự đau nhói khi chờ đợi câu chuyện diễn tiến.
Tokyo Story: Rơi lệ bởi tình người giản dị, Phim, Tokyo Story, Yasujiro Ozu, nhat ban, phim hay it nguoi biet, phim
Tokyo Story cũng là một ví dụ minh họa cho tất cả những phong cách làm phim độc đáo của Ozu: máy quay được đặt ở tầm thấp, những đoạn chuyển cảnh xoay ngược tới 180 độ, hầu như không di chuyển máy quay và những cảnh khác nhau được liên kết bằng những đại cảnh cuộc sống hàng ngày.
Đây chính là phong cách làm phim nhân bản nhất, loại bỏ hết thảy máy móc thiết bị, hiệu ứng kỹ thuật, sự chỉnh sửa hậu kỳ, để làm khán giả xúc động bằng chính những cảm xúc chân thật nguyên sơ nhất của con người, chứ không phải bằng những cách kể chuyện thông thường.
Nếu có một cử động nào đó trong phim Tokyo Story, thì nó đến từ khung cảnh thiên nhiên phía sau hoặc chính hành động con người, chứ không phải từ chuyển động camera. Thay thế cho sự chuyển động trong hình ảnh, Ozu sử dụng những hình ảnh tĩnh trong đó nhiều yếu tố cùng tồn tại và đem lại cho mỗi hình ảnh nhiều ý nghĩa khác nhau. Phần thoại trong phim Tokyo Story tuy ít, mà ngụ ý thì nhiều, dù giản dị, đời thường song đầy triết lý.
Tokyo Story là lát cắt về cuộc sống gia đình với cấu trúc không gian, thời gian mở và một đoạn kết bỏ ngỏ nhưng đầy ý nghĩa về cuộc đời, sự chia cắt, sự cô đơn và cái chết. Phong cách thể hiện cảm xúc và suy nghĩ thông qua những chi tiết nhỏ và tinh tế cũng trở thành một đặc điểm nhận dạng riêng của bộ phim. Chính cái nghịch lý giữa cách quay đơn giản và khối lượng cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc, dồi dào đã khiến phim của Ozu có được giá trị lớn trên tầm quốc tế.
Tokyo Story: Rơi lệ bởi tình người giản dị, Phim, Tokyo Story, Yasujiro Ozu, nhat ban, phim hay it nguoi biet, phim
Tokyo Story không hề chứa đựng những yếu tố tình cảm lãng mạn, ướt át, không để tâm tới những thủ thuật câu khách mà một bộ phim bình thường hay chú tâm khai thác. Nó cũng không hề gượng ép những chiều sâu cảm xúc, mà chỉ đơn thuần là sự chia sẻ quan điểm về giá trị gia đình đến khán giả.
Bộ phim đã trở thành kiệt tác của nhân loại này chỉ kéo dài có 90 phút nhưng ẩn chứa rất nhiều cung bậc cảm xúc vĩ đại và làm say mê mọi thành phần khán giả. Tokyo Story khiến người xem phải xúc động tới rơi lệ khi những khung hình cuối cùng phụt tắt khỏi màn hình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét