Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Những giấc mơ của "hoàng đế điện ảnh" Nhật Bản


Nhung giac mo cua 'hoang de dien anh' Nhat Ban
Cuộc “khủng hoảng hạt nhân” mà người Nhật đang phải đương đầu sau thảm họa động đất, sóng thần thời gian vừa qua có lẽ sẽ khiến nhiều người nhớ về bộ phim Những giấc mơ của đạo diễn Akira Kurosawa – người được coi là “hoàng đế của điện ảnh Nhật Bản”.
Bộ phim Những giấc mơ được làm năm 1990 do hãng Warner Bros phát hành, có sự tham gia của đạo diễn lừng danh Hollywood Martin Scorsese là tập hợp 8 phim ngắn thể hiện những giấc mơ. Trong đó, giấc mơ Núi Phú Sĩ rực lửa chính là lời cảnh báo, tiên tri cho nhân loại về tác hại của các nhà máy điện nguyên tử.
Poster phim "Những giấc mơ"
Giấc mơ cảnh báo “Núi Phú Sĩ rực lửa”
“Nhà máy năng lượng hạt nhân đã phát nổ. Sáu lò phản ứng hạt nhân từng cái một đang nổ cạnh núi Phú Sĩ – biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Con người thì chẳng thể trốn đi đâu được ngoài việc nhảy xuống biển trước thảm họa nhiễm phóng xạ” – đó là chuyện xảy ra trong giấc mơ Núi Phú Sĩ rực lửa của Akira Kurosawa.

Đám đông chạy náo loạn tìm đường sống, người ta nhảy xuống biển tự tử chứ không chịu được cái chết đến một cách từ từ do nhiễm phóng xạ. Duy chỉ có một người thanh niên đang cố gắng chống chọi trong vô vọng, tìm mọi cách bảo vệ ba mẹ con, những người sống sót sau thảm họa. Cảnh cuối phim khi người thanh niên cởi áo khoác nỗ lực xua đi những đám mây đỏ đang bao lấy anh và bảo vệ ba mẹ con khiến người xem xúc động rơi nước mắt. Phận người mong manh quá! Mấy ai ngờ, sự an toàn mà người ta cam kết khi xây dựng các nhà máy hạt nhân chẳng qua chỉ là “tấm danh thiếp mang tên cái chết”.
Hình ảnh núi Phú Sĩ rực lửa trong phim
Triết lý sâu sắc từ những chuyện trong mơ
Akira Kurosawa (1910- 1998) là đạo diễn nổi tiếng không chỉ của Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Ông chính là người đưa điện ảnh Nhật Bản đến với toàn cầu với tác phẩm kinh điển Rashomon – bộ phim đã giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice và giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1951.
Phim của ông thường mang tính triết lý sâu sắc ẩn sâu trong những khuôn hình được chăm chút kĩ lưỡng. Bộ phim Những giấc mơ mở đầu với dòng chữ “Một ngày nọ tôi đã từng mơ” đồng thời mở ra cho người xem về giấc mơ của chính “vị hoàng đế” của điện ảnh Nhật Bản này. Tám phim ngắn như tám giấc mơ cuộc đời từ khi còn nhỏ đến khi về già, được đặt tên cụ thể theo thứ tự từ đầu đến cuối phim: Điều bí mật trong mưa, Vườn đào, Bão tuyết, Đường hầm, Đàn quạ, Núi Phú Sĩ rực lửa, Bầy quỷ than khóc, Ngôi làng có cối xay nước. Mỗi giấc mơ là một câu chuyện giản dị nhưng lại chất chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc của chính đạo diễn kiêm nhà biên kịch.
Cuộc chống chọi vô vọng của chàng thanh niên và ba mẹ con - người sống sót sau thảm họa
Điều bí mật trong mưa là một giấc mơ của một cậu bé không nghe lời mẹ đi chơi khi trời mưa và lén quan sát đám rước dâu của họ nhà cáo. Cậu bé bị họ hàng nhà cáo phát hiện. Họ đưa cho mẹ cậu con dao và bắt cậu tự xử. Cậu đã đi và tìm thấy cầu vồng – nơi họ nhà cáo trú ngụ như lời mẹ cậu dặn để xin sự tha thứ. Câu chuyện chỉ là một giấc mơ của trẻ con nhưng ẩn sâu trong đó là tinh thần trách nhiệm của người Nhật, tinh thần dám làm dám chịu. Đó cũng là ước mơ khám phá và chinh phục của tuổi trẻ.
Cũng bằng cách thể hiện câu chuyện bằng giấc mơ với những yếu tố ảo và thực đan xen, Vườn đào nhắc nhở con người chúng ta về sự bảo tồn vườn đào, bảo tồn những giá trị văn hóa như lễ hội búp bê Hina Matsuri.
Bão tuyết đó là sự đề cao những nỗ lực của con người trước khó khăn gian khổ. Đàn quạ là sự theo đuổi ước mơ, sự say mê đắm chìm trong thế giới nghệ thuật. Bầy quỷ than khóc như là sự suy tàn của con người và toàn thể sinh vật trên thế giới trong một xã hội “người ăn thịt người”. Con người đã biến thành quỷ mọc sừng và kêu gào đau đớn trước những cái “sừng tội ác” mọc trên đầu mình. Bộ phim khép lại với giấc mơ về Ngôi làng có cối xay nước – một thế giới trong mơ với cảnh trí rực rỡ sắc màu nơi con người sống chan hòa cùng thiên nhiên và không bị ảnh hưởng bởi công nghệ. Họ sống lâu và tận hưởng cuộc sống của mình. Cái chết với họ là một điều tự nhiên, đám ma được đưa tiễn bởi cả làng với những điệu múa như trong lễ hội.
Văn hóa truyền thống Nhật Bản
Akira Kurosawa là một đạo diễn có phong cách làm phim rất "Tây". Ông kể những câu chuyện của đất nước mình với cách kể giàu kịch tính và đặc biết rất chăm chút về mặt hình ảnh cho bộ phim. Thế nhưng dù phim của ông mang nhiều yếu tố phương Tây thì nét văn hóa truyền thống của xứ sở Phù Tang luôn xuất hiện và đóng vai trò mạnh mẽ trong phim ông.
Ngôi làng có cối xay nước – một thế giới trong mơ của Kurosawa
Từng khuôn hình trong phim Những giấc mơ thấm đẫm các giá trị văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Từ đám rước của họ nhà cáo trong cơn mưa ở giấc mơ đầu tiên, những nhân vật trong lễ hội búp bê ẩn hiện với cách trang điểm làn da trắng toát điển hình của Nhật Bản trong giấc mơ Vườn đào đến màn múa hát với trang phục truyền thống ở đám tang trong giấc mơ cuối phim đều được Kurosawa chăm chút tỉ mỉ. Chính những giá trị truyền thống đã làm nên sức mạnh cho những khuôn hình và tạo điểm nhấn riêng biệt của Kurosawa.
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, đó phải chăng là một trong những ám ảnh trong giấc mơ của vị "hoàng đế điện ảnh" Nhật Bản?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét