Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Vũ Ngọc Đãng: 'Càng làm phim càng dở dần'


“Sự thật ở Việt Nam, với những người làm nghệ thuật, thường tác phẩm đầu tiên bao giờ cũng hay hơn các tác phẩm sau. Càng làm thì càng dở dần và càng mất tên. Gần 100% là như vậy, và mình cũng nằm trong số đó”, đạo diễn nói.- Theo anh, làm đạo diễn không khó, tức là dễ?
- Thì… dễ (cười). Thực ra, làm đạo diễn hay mới khó, còn làm chơi chơi, để có phim để chiếu thì dễ lắm. Các việc khác đều có người hỗ trợ, nên nhiều khi không biết gì cũng ngồi được ghế đạo diễn. Việt Nam mình cũng có nhiều trường hợp như vậy. Cứ nhìn vào chất lượng phim thì biết, cả 1 - 2 năm mới có một vài phim hay, còn lại trung bình hoặc kha khá. 
- Anh và Dũng "Khùng" thường cạnh tranh với nhau?
- Tôi với Dũng là bạn rất thân, luôn động viên nhau. Đề cương còn có thể viết giùm nhau, diễn viên chỉ cho nhau, không bao giờ cạnh tranh cả. Tôi và Dũng đều nghĩ rằng càng có nhiều người làm phim ăn khách càng tốt cho điện ảnh, tức là tốt cho bản thân mình về lâu dài. Còn nếu tôi làm dở, Dũng làm dở và người khác làm dở, khán giả sẽ quay lưng lại, và điện ảnh Việt Nam sẽ lại chết như thời phim "mỳ ăn liền".
- Nếu một nhà sản xuất gọi cả anh và Dũng "Khùng" lên để chọn, anh "đấu" như thế nào?
- Tôi không sợ gì hết. Nếu tôi cần công việc đó, tôi sẽ làm hết sức để có được công việc đó, nếu thấy không cần có thể để cho người khác làm. Dũng cũng vậy thôi. 
- Nếu nhà sản xuất trả anh thấp hơn trả cho Dũng "Khùng" thì…

- Không chịu, nếu là bên truyền hình. Vì lĩnh vực này tôi nghĩ mình nổi hơn. Còn bên điện ảnh có thể tôi chấp nhận một chút vì tên của Dũng hiện đem lại doanh số cho nhà sản xuất nhiều hơn. Còn với Dũng hay với ai khác cũng vậy, với tôi công việc là công việc, rất thoải mái. Tôi với Dũng rất vô tư với nhau. Ngay cả lương của Dũng cao như bây giờ cũng là do tôi "deal" với nhà sản xuất đấy.
- Nghe nói Dũng khùng và chảnh hơn anh?
- Thực ra, Dũng không khùng cũng chẳng chảnh mà còn rất khôn, nhưng dễ thương. Chữ "khùng" cũng là do Dũng tự đặt chứ không phải người khác gọi. Một người tự nhận mình khùng chắc không khùng đâu (cười). Dũng thông minh và có tầm nhìn tổng quát giỏi hơn tôi. Tôi rất phục Dũng về tính nhạy bén, nhìn vấn đề ở nhiều chiều. Dũng rất giỏi và khéo. Tôi học hỏi nhiều từ cậu ấy.
- Anh bảo phim dở là do đạo diễn trong khi nhiều người tin là do kịch bản, kinh phí…?
- Phim hay là do nhiều yếu tố, nhưng phim dở là do đạo diễn. Vì, thứ nhất, nếu thấy kịch bản dở, anh phải sửa cho hay, diễn viên diễn dở là do mình chọn sai. Thứ hai là do mình không biết hỗ trợ diễn xuất. Thứ ba là do mình không biết khơi gợi cho người ta diễn hay, quay đẹp. Đôi khi, kịch bản hay nhưng phim cho ra cũng dở vì nó không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
- Làm đạo diễn kiêm luôn viết kịch bản, anh thấy có điểm tốt, điểm dở nào?
- Tốt, vì mình viết câu chuyện, nhân vật mình thích. Mình làm chủ được sự nghiệp của mình, thích thể loại nào mình sẽ viết thể loại đó. Còn nếu mình đạo diễn kịch bản của người khác, nếu thích không sao, nếu không thích giống như nuôi con giùm người khác mà đứa con đó mình cũng không ưa nên kết quả sẽ không tốt lắm. Khi làm phim mà chờ kịch bản từ người khác hồi hộp lắm. Hết phim này lại chờ, băn khoăn không biết kịch bản tới là gì, có hay không, có hợp với mình hay không.
Điểm không hay là sự chủ quan, nghĩ rằng mình hiểu thì khán giả cũng sẽ hiểu, nhưng nhiều khi không phải vậy.
Vũ Ngọc Đãng và Quang Dũng.
- Giả sử đủ kịch bản hay, anh có thể "chạy" bao nhiêu phim một năm?
- Nếu tốt như thế, một năm làm được 2 phim. Còn hiện nay, trung bình một đến một năm rưỡi một phim. Thực ra, thời gian quay phim rất ngắn, chỉ mất khoảng 1 tháng, thêm dựng phim nữa tổng cộng khoảng 3 tháng, nhưng thời gian viết kịch bản rất lâu. Phim Bỗng dưng muốn khóc, 14 tháng mới xong kịch bản, cộng thêm quay và dựng phim là cũng mất hơn hai năm.
Trong làm phim, kịch bản là vấn đề đau đầu nhất chứ không phải quay phim. Quay phim là phụ thuộc tay nghề, nhưng viết kịch bản đòi hỏi vốn sống, kinh nghiệm. Viết kịch bản mình phải vận dụng hết vốn sống, văn hóa, hiểu biết của mình vô. Còn nếu sử dụng kịch bản hay của người khác, mình chỉ dùng nghề của mình, không phải bỏ nhiều "vốn".
- Điều lo lắng nhất khi anh làm một phim mới là gì, ngoài kịch bản, diễn viên?
- Đó là lo mình lặp lại bản thân. Tức là sợ cấu trúc, bố cục, nhân vật bị lặp lại, vì mình thích kiểu đó nên dễ bị cuốn vào hướng đó hoài. Muốn thay đổi phải lật hết cả lại, nhưng thay đổi quá có thể lại đánh mất mình. Rất nan giải, nên tôi với Dũng hay phải ngồi với nhau để bàn bạc, tìm ra cái mới.
- Con người ta nói chung hay ganh tỵ với người khác, không muốn ai hơn mình. Anh thì sao?
- Tôi không bao giờ ganh tỵ vì tin rằng có bao nhiêu người làm hay thì mình cũng nằm trong số đó nên không sợ mất việc. Người khác làm hay lại kích thích mình cũng phải làm hay như vậy hoặc hơn. Tôi luôn muốn phim Việt Nam ngày càng hay hơn, vì càng có nhiều phim hay thì khán giả càng tin vào điện ảnh Việt Nam, và càng nhiều phim hay quanh năm thì không phải cứ đến Tết mới ra phim.
- Có đạo diễn nào ở Việt Nam mà anh ngưỡng mộ?
- Không có ai hết, vì ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu cần phải hoàn thiện, chưa có ai ở mức hoàn hảo để có thể là thần tượng. Ngay bản thân mình cũng vậy. Người tôi thích nhất là chú Đặng Nhật Minh, người duy nhất ở Việt Nam làm phim tinh tế.
Điện ảnh Việt Nam chưa hay lắm. Bản thân phim của mình làm cũng vậy, có nhiều chỗ xem xong mắc cỡ lắm, chỉ muốn chui xuống đất. Phim sau mình sửa được điều đó xong lại phạm phải điều khác, chưa thoát được (cười).
- Làm nghề, ngoài mục đích kiếm sống, anh có đang thực hiện một sứ mệnh nào mà anh thấy có ý nghĩa?
- Tôi không nghĩ nó là một sứ mệnh, chỉ nghĩ đó là niềm vui, công việc mình yêu thích và cảm thấy hạnh phúc khi mình được làm điều mình yêu thích. Với tôi, bi kịch là cả đời cứ phải làm những điều mà mình không thích. Nhiều người thấy tôi đứng nắng làm phim lại hỏi: "Cực lắm hả?", nhưng tôi chẳng thấy cực tí nào mà lại thích được như vậy và cố gắng làm thật tốt.
- Để làm gì?
- Để có việc làm nữa, và những người cộng tác với mình đều thu lợi nhiều hơn sau bộ phim đó. Niềm vui của tôi là thế. 
- Sau khi có một phim "hot" anh có cảm thấy áp lực khi làm phim tiếp theo?
- Không, nhưng hơi buồn. Vì điều tôi lo nhất là sự thật ở Việt Nam, với những người làm nghệ thuật, thường tác phẩm đầu tiên bao giờ cũng hay hơn các tác phẩm sau. Càng làm thì càng dở dần và càng mất tên. Gần 100% là như vậy, và mình cũng nằm trong số đó. Nguyên nhân là những phim đầu mình làm bằng tình cảm, bằng sự hồn nhiên, ngây thơ. Còn các phim sau sử dụng kỹ thuật rất nhiều nhưng chưa tới, cảm xúc ít đi nên chất lượng cuối cùng lại giảm.
- Ngoài làm điện ảnh anh có làm nghề gì khác?
- Hiện nay, chỉ làm đạo diễn là sống được rồi. Hai năm làm một phim cũng sống được vì nhu cầu mình ít và tiền lương mình cũng cao (cười).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét