Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Chủ tịch tỉnh sa ngã lên phim


- Nhân vật Chủ tịch tỉnh ngay từ đầu phim đã được nhận diện là một kẻ sa ngã. Những phóng viên trực tiếp bị trả giá, bị đánh đập, bị bắn, thậm chí còn bị đuổi việc vì đã phát hiện sự việc.


Đàn trời là bộ phim chính luận tiếp theo Chủ tịch tỉnh của ĐD Bùi Huy Thuần.

Đàn trời được khởi quay trong "bí mật" với rất ít thông tin về bộ phim được công bố cho đến khi nó đã được xếp lịch phát sóng. Phim có độ dài 36 tập được quay trong thời gian hơn 3 tháng tại nhiều địa điểm như Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai... và vẫn đang hoàn tất phần hậu kỳ… Đàn trời là bộ phim mới nhất của đạo diễn Bùi Huy Thuần, người mới đây được nhắc tới nhiều với bộ phim Chủ tịch tỉnh.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả của hàng loạt kịch bản phim chính luận gây chú ý như: Đất và Người, Ma làng, Ngõ lỗ thủng, Gió làng Kình, Luật đời... cũng chính là biên kịch của Đàn trời, bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn. Phim có đề tài chống tham nhũng hứa hẹn sẽ tạo dư luận mạnh khi lên sóng vào giữa tháng 4 tới đây. Đây là kịch bản đuợc Phạm Ngọc Tiến ấp ủ nhiều năm, kể từ lúc có ý tưởng đến khi hoàn thành.

- Tiểu thuyết Đàn trời có gì hấp dẫn đến mức anh quyết định chuyển thể nó thành kịch bản phim?

- Đàn trời của Cao Duy Sơn là tiểu thuyết bề thế viết về miền núi. Tôi đã đọc cuốn này từ khá lâu nhưng cũng như Mảnh đất lắm người nhiều ma, thói quen của tôi là đọc rồi cứ để đó, nếu không thấy ai làm phim thì mình mới làm. Tôi chọn Đàn trời vì tiểu thuyết này viết về miền núi mà đề tài miền núi lại rất vắng bóng trong các tác phẩm điện ảnh. Kiểu phim này xưa nay cũng có nhưng ít. Thêm nữa các bộ phim vẫn là tiếp cận miền núi theo tư duy của người miền xuôi.

Đàn trời là tiểu thuyết của người miền núi viết về miền núi. Tôi muốn có độ lùi về thời gian, nếu sau 5-7 năm mà thấy tiểu thuyết đó vẫn có cái mới thì mới quyết định viết kịch bản. Tôi thấy Đàn trời có hai cái mới, đó là miền núi của người miền núi do người trong cuộc viết ra. Thêm nữa, tôi và Cao Duy Sơn cùng là nhà văn nên có sự đồng điệu, dễ chuyển tải sang kịch bản hơn. Nội dung cuốn tiểu thuyết cũng rất lôi cuốn tôi.

Đó là cuộc đấu tranh trực diện của cán bộ, phóng viên truyền hình với cơ chế. Hiển nhiên đây là một bộ phim gai góc, dữ dội, xoay quanh trục trung tâm là tập thể phóng viên của một đài truyền hình cấp tỉnh. Chương trình 135 về xoá đói giảm nghèo ở miền núi đã được thực hiện nhiều năm. Đây là chủ trương đúng đắn của nhà nước để xây dựng miền núi nhưng từ chủ trương đến thực hiện là 1 quá trình cam go, đồng tiền khi về với miền núi thì bị xà xẻo. Điều này thì báo chí cũng đã đề cập nhiều và cũng được nói khá kỹ trong phim.

Nhân vật Chủ tịch tỉnh ngay từ đầu phim đã được nhận diện là một kẻ sa ngã và cuộc chiến đấu với người quyền lực số 1 của tỉnh cũng được đề cập xuyên suốt từ đầu đến cuối phim. Ở đây anh ta câu kết với các doanh nghiệp làm đường để xà xẻo tiền từ chương trình. Và khi các phóng viên phát hiện thì 1 hệ thống xúm vào để ngăn báo chí phản ánh. Những phóng viên trực tiếp bị trả giá, bị đánh đập, bị bắn, thậm chí còn bị đuổi việc vì đã phát hiện sự việc. Đó là sự khốc liệt của Đàn trời và tôi thấy hay nên khai thác.

- Khi đề cập vấn đề trực diện như vậy trong phim, các anh có ngại sẽ đụng chạm?

- Tiểu thuyết khi ra mắt thì chỉ có một lượng khán giả hẹn hẹp nhưng khi lên phim, lên hệ thống sóng quốc gia thì sẽ đến với một lượng công chúng lớn hơn và cũng không tránh được sự đụng chạm. Nhưng ngay từ đầu tôi chủ trương thống nhất tìm một địa danh giả định là huyện Bình Lãng. Đàn trời trong phim cũng khác với trong Tiểu thuyết (vẫn được hiểu là Cao Bằng). Có thể nhiều người thấy nhân vật Chủ tịch tỉnh có nhiều điểm na ná với Nguyễn Trường Tô (nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang) hay giống ai đó nhưng thực ra nhân vật trong phim không nhằm vào bất cứ ai.

Chương trình 135 dù bị xà xẻo nhưng cuối cùng nó vẫn thành công. Chủ tịch tỉnh hiển nhiên phải trả giá. Đây là phim chính luận, chống tham nhũng nhưng những yếu tố tích cực nhiều hơn tiêu cực. Ví dụ Phó Chủ tịch tinh, Bí thư tỉnh uỷ là những người tốt, có người dĩ hoà vi quý, có người cương quyết đấu tranh chống cái xấu. Chúng tôi cố gắng dựng 1 cuộc sống chân thực, 1 cuộc đấu tranh chân thực, 1 bộ phim trực diện nhưng nhân bản.



Nhà văn Phạm Ngọc Tiến được biết đến với nhiều kịch bản phim chính luận như Ma làng, Gió làng Kình, Đất và Người, Luật đời...

- Với những vấn đề gai góc Đàn trời đề cập, anh có đo trước được phản ứng của dư luận khi phim ra mắt?

- Đây là kịch bản phim tôi đầu tư nhiều năm và thấy hài lòng. Tôi tin chắc chắn nó sẽ nhận được những phản ứng tích cực khi lên sóng. Trong vệt phim chính luận xưa nay tôi chưa thấy có phim nào thật sự hay mà chỉ thấy đó là những phim xem đuợc và có dư luận. 

- Nhiều người nói dòng phim chính luận đang đi xuống, không chỉ ít phim mà còn ít phim xem được, anh có kỳ vọng gì vào Đàn trời?

- So với những phim đã được khán giả chấp nhận mà tôi viết kịch bản, Đàn trời mang 1 sắc thái khác. Tôi không đủ tài làm phim hay, chỉ làm những phim trúng vấn đề, bám sát được thời cuộc và ra đúng thời điểm.

- Gần như các phim khai thác hình ảnh nhà báo trên màn ảnh đều bị chê bởi hình tượng bị méo mó, nghiệp vụ kém, phi thực tế. Không biết anh đã xây dựng kịch bản về các nhân vật này thế nào để hấp dẫn người xem và người trong cuộc thì chấp nhận được?

- Tôi thì chỉ nghĩ một người làm truyền hình khi viết về những người làm truyền hình thì chắc không thể giả được. Tuy nhiên bộ phim có hấp dẫn hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đạo diễn, diễn viên, bối cảnh....

- Một bộ phim có nội dung động chạm như vậy, các anh có sự nó bị cắt xén trước khi phát sóng?

- Ngay từ tập đầu tiên Đàn trời đã chọn cách gây chú ý bằng tình huống phóng viên mời khán giả xem phóng sự về việc rút ruột công trình trong chương trình 135 sẽ được phát sóng vào hôm sau. Tuy nhiên ngay sau đó phóng sự này đã bị Chủ tịch tỉnh yêu cầu dừng phát sóng. Tôi nghĩ cái gì quá phản cảm mới lo bị cắt. Thêm nữa đây là một bộ phim mà những người tham gia đều có nghề. Những người làm phim chính luận xưa nay có động cơ rất trong sáng nên không có lý gì phải e ngại.




Đàn trời là bộ phim chống tham nhũng trực diện.

- Các bộ phim chính luận của anh đều thu được những thành công nhất định nhờ các đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (Ma Làng), Mai Hồng Phong (Luật đời)..., lần đầu giao kịch bản cho Bùi Huy Thuần, anh có tin đạo diễn này sẽ cho ra một bộ phim hấp dẫn với kịch bản anh tâm huyết?

- Tôi quyết định giao kịch bản cho Bùi Huy Thuần sau một thời gian dài theo dõi quá trình làm phim của anh ấy. Tôi thấy đó là một người say nghề. Với tôi, đạo diễn nào cũng đuợc. Với phim điện ảnh thì dấu ấn của đạo diễn rất lớn. Nhưng với phim truyền hình thì kịch bản chiếm tới 60% thành công nên tôi chỉ cần người yêu nghề và lăn lộn với nghề là đủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét